Tiêu dùng xanh, kinh nghiệm thế giới và bài học cho TP.HCM

Trong những năm gần đây, sự gia tăng nhận thức về tác động của hành vi tiêu dùng đối với vấn đề nóng lên toàn cầu và phát triển bền vững đã dẫn đến sự phát triển của tiêu dùng xanh tại nhiều nước trên thế giới.

Đây được xem như một giải pháp “giải cứu trái đất” trước những chuyển biến xấu của môi trường xấu toàn cầu. Theo đó hướng người tiêu dùng trên thế giới tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Liên minh châu Âu (EU)

Liên minh châu Âu phát triển mua sắm công một cách rộng rãi nhằm hướng tới một châu Âu sử dụng tài nguyên hiệu quả. Mua sắm công của EU chiếm 19,9% tổng thu nhập quốc dân của khu vực này. Những tiêu chí “xanh” trong mua sắm công được khuyến khích trong thị trường sản xuất và trao đổi những sản phẩm xanh.

EU đã có những chính sách liên quan tới GPP (Green Public Procurement) từ khá sớm và coi việc phát triển bền vững là chiến lược phát triển lâu dài, khuyến khích sự phát triển của những công nghệ thân thiện với môi trường, do đó GPP sẽ tiếp tục được khuyến khích trong thời gian tới. Điều nổi bật và quan trọng nhất lúc này là EU xây dựng được tiêu chuẩn GPP chung cho các quốc gia. Ngoài ra, sự ủng hộ từ các khung khổ chính sách cũng như khung khổ pháp lý cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình mua sắm công xanh tại châu Âu diễn ra mạnh mẽ.

Nhật Bản

Trong những năm qua, Nhật Bản thực thi nhiều chính sách tiêu dùng xanh như chính sách mua sắm xanh, chính sách dãn nhãn sinh thái cho sản phẩm xanh, xây dựng mạng lưới tiêu dùng xanh,…

Mạng lưới mua sắm xanh tại Nhật Bản ra đời năm 1996, sau đó Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Mua sắm xanh vào tháng 05/2000 và có hiệu lực sau đó 1 năm. Nhật Bản áp dụng những chỉ tiêu xanh theo chương trình nhãn dán Ecomark, cũng như chỉ tiêu từ Energy Star và các bộ chỉ tiêu khác để hướng dẫn việc quyết định mua bán và lựa chọn các sản phẩm xanh.

Việc thực hiện chính sách tiêu dùng xanh ở Nhật Bản đã làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh ở Nhật. Luật Mua sắm xanh của Nhật đặt mục tiêu 100% các cơ quan chính phủ, 50% các doanh nghiệp đều thực hiện mua sắm xanh, bên cạnh đó 90% công chức nhận thức và 50% trong số đó thực hiện mua sắm xanh. Điều này tạo ra những sự khuyến khích và động lực để mở rộng những hoạt động mua sắm xanh tại Nhật Bản.

Trung Quốc

Trung Quốc nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới và đã có những bước tiến ấn tượng về mặt kinh tế để trở thành một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu.

Mua sắm của chính phủ là một phần quan trọng trong hệ thống quản lý chính sách công của Trung Quốc. Luật về mua sắm của chính phủ được thông qua vào năm 2002 và có hiệu lực năm 2003, cùng với sự ra đời của Luật Thúc đẩy sản xuất sạch. Tất cả những văn bản pháp quy này đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình mua sắm công tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, sản xuất và thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm tiết kiêm năng lượng cũng được quốc gia này chú trọng. Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu đứng đầu về doanh số xe chạy bằng điện và đặt mục tiêu 2025 sẽ bán được 7 triệu phương tiện đi lại chạy bằng điện. Chính phủ đưa ra chính sách trợ cấp những nhà sản xuất xe điện và đồng thời thắt chặt chính sách với những công ty sản xuất xe ô tô truyền thống.

Đầu tư năng lượng sạch của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng khi mà chính phủ theo đuổi chính sách xanh, thành lập một lực lượng cảnh sát đặc biệt để đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Quốc gia này cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới trong những vùng ô nhiễm nặng nhất của đất nước, bao gồm thủ đô Bắc Kinh. Những nhà máy này hiện tại được yêu cầu cắt giảm khí thải, nếu không sẽ bị buộc phải thay thế nhiên liệu than đá bằng khí ga tự nhiên. Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu bị hạn chế số lượng ô tô lưu hành. Nước này cũng giảm công nghiệp luyện sắt thép và đóng cửa các mỏ than.

Thái Lan

Đối với Thái Lan, các chính sách liên quan tới mua sắm xanh được thực hiện bước đầu từ khu vực công với việc xây dựng tiêu chí cho các sản phẩm và dịch vụ xanh, ban hành kế hoạch nay sắm công xanh,…

Kế hoạch mua sắm công xanh đã được chính phủ Thái Lan thông qua năm 2008 với mục đích thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường đối với khu vực công và quy định rõ tỷ lệ phần trăm các sản phẩm thân thiện môi trường được mua sắm từ năm 2008 – 2011.

Chương trình nhãn dán xanh tại Thái Lan không chỉ tập trung vào chủ đề năng lượng mà còn về các nguồn tài nguyên khác, nhằm khuyến khích thay đổi hành vi trên cơ sở bảo đảm một chất lượng sống tương đương, đồng thời giúp cho người dân nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc tham gia vào nỗ lực chung của quốc gia.

Kinh nghiệm cho TP.HCM

Từ việc phân tích một số chính sách tiêu dùng xanh của các quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thực hiện mua sắm xanh trong lĩnh vực công. Thành phố cần đẩy mạnh chương trình gắn nhãn xanh để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt và nhận diện sản phẩm xanh.

Đổi mới công nghệ và tái sử dụng, tái chế chất thải nhằm hạn chế các chế phẩm có hại cho môi trường, điều này giúp tăng nguồn tài nguyên cho nền kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vấn đề này có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nâng cao nhận thức cho các cán bộ trong khu vực công về tầm quan trọng của tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh.

Cần ban hành quy định về hướng dẫn mua sắm những sản phẩm thân thiện với môi trường, quy định rõ ràng và cụ thể trong việc mua sắm của Chính phủ hướng tới xanh hoá, tập trung vào mục tiêu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Nâng cao kỹ năng và năng lực về công nghệ cho các cán bộ phụ trách về đánh giá sản phẩm xanh thông qua các khoá đào tạo, để có thể áp dụng những sản phẩm xanh một cách tốt nhất.